Lưu ý về bảo dưỡng và sử dụng dây buộc tàu

Đăng lúc 13:45:00 Ngày 07/07/2014 | Lượt xem 5332 | Cỡ chữ

Để đảm bảo an toàn cho thuyền viên và cho tàu trong quá trình ma-nơ ra vào cầu/phao, thuyền trưởng, sỹ quan và thủy thủ, đặc biệt là đại phó và thủy thủ trưởng, cần phải đảm bảo rằng dây buộc tàu được chăm sóc, sử dụng và duy trì phù hợp với thực tiễn tốt nhất trong Ngành. Các dây buộc tàu phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ và có biện pháp xử lý phù hợp hoặc thay thế kịp thời khi phát hiện dây bị hư hại đến mức độ không thể dùng tiếp được.
1) Kiểm tra dây buộc tàu:
Đại phó, thủy thủ trưởng phải kiểm tra bằng mắt tất cả các dây buộc tàu đang được sử dụng trước khi tàu cập cầu, buộc phao. Trong thời gian tàu nằm cầu, sỹ quan và thủy thủ trực ca phải định kỳ kiểm tra các dây buộc tàu.
 Để cho nhiều phương tiện cập vào mạn tàu dẫn đến quả tải cho các dây

Tất cả các dây buộc tàu phải được kiểm tra lại tình trạng của nó ít nhất 1 lần/tháng. Chỗ mòn dọc theo dây phải được kiểm tra bên ngoài và các khu vực mòn và dão chảy trên dây phải được kiểm tra chặt chẽ để quyết định tính nguyên vẹn của dây tại các điểm này.

 

Các dây buộc tàu nên được đảo đầu dây định kỳ đầu mắc vào cọc bích và đầu trong trống tời để tránh dây nhanh bị mòn, hỏng dão nhanh ở một khu vực, nâng tuổi thọ cho dây. Dây bị hư hỏng nặng không nên cắt và đấu nối với đoạn dây ngắn khác, như vậy sẽ làm giảm sức chịu lực của dây. Nếu có bất kỳ nghi ngờ về sức chịu lực và tính toàn vẹn của  dây, nên thay ngay dây mới.

 

Cơ sở để đánh giá tình trạng dây buộc tàu cần phải phải thay mới dựa trên kinh nghiệm, quan sát kiểm tra trực tiếp toàn bộ dây để có quyết định phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho tàu và tiết kiệm cho Công ty. Để có đánh giá phù hợp, trước khi yêu cầu công ty cấp dây mới để thay thế cho dây đang sử dụng mà theo đánh giá của tàu tình trạng của dây đã kém, tàu phải chụp ảnh thực tế dây này và gửi về công ty để có sự thống nhất trong việc thay dây.

 2) Kiểm tra dây cáp buộc tàu
 Cũng như các dây buộc tàu khác, đại phó, thủy thủ trưởng cũng phải kiểm tra bằng mắt tất cả các dây cáp buộc tàu đang được sử dụng trước khi tàu cập cầu, buộc phao và trong thời gian tàu nằm cầu, sỹ quan và thủy thủ trực ca phải định kỳ kiểm tra các dây buộc tàu. Tất cả các dây cáp buộc tàu cũng phải được kiểm tra lại tình trạng của nó ít nhất 1 lần/tháng.
 Dây buộc tàu được để khô ráo trên cao bản khi sử dụng sẽ tăng tuổi thọ cho dây

 Cơ sở để đánh giá tình trạng dây cáp buộc tàu cần phải thay mới được dựa trên tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận, thông thường các tiêu chí loại bỏ dựa trên tỷ lệ phần trăm của số tao dây của đường cáp mà bị phá vỡ trong một chiều dài tương đương với một bội số của đường kính của dây cáp.

 

Phải kiểm tra, đánh giá các dây cáp buộc tàu để phát hiện các khuyết tật khác như xoắn, ăn mòn và bị dập hoặc bẹp và ảnh hưởng của chúng đối với sức bền của dây để quyết định thay thế dây một cách phù hợp.

 3) Chăm sóc dây đang sử dụng
Để đảm bảo rằng các dây buộc tàu luôn trong tình trạng an toàn và không bị hư hại, thuyền viên phải lưu ý các vấn đề sau:
Sau khi dây đã được kéo căng, chúng cần được bốt vào cọc bích (hình trái), không nên bốt dây vào trống quấn dây như hình phải

     * Dây buộc tàu không nên để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khi không sử dụng, chúng phải được phủ che bằng bạt hoặc xếp trong kho

 

     * Dây buộc tàu cần phải được để cách ly với mặt boong để đảm bảo chúng không tiếp xúc với bất kỳ hóa chất có thể gây  hại đến sức chịu lực và độ bền của dây.

 

     * Dây buộc tàu nên được xếp cách xa các nguồn nhiệt. 

 

     * Cần đảm bảo rằng tất cả các con lăn làm dây quay trở tự do và trên bề mặt của nó không bị hư hại, gỉ sét và không gây hại cho dây

 

     * Cần đảm bảo các trống tời quấn dây, các cọc bích và các lỗ sô-ma không bị hư hại hoặc bị gỉ mà nó có thể gây hại cho dây. 

 

     * Khi làm dây, lựa chọn lỗ sô-ma hợp lý, tránh để dây làm thành góc nhọn khi dây buộc tàu chạy dọc theo thân tàu giữa lỗ sô-ma định hướng với cọc bích trên cầu cảng

 

     * Đối với lỗ sô-ma cũ chưa kịp khắc phục: Để tránh dây bị đứt do nguyên nhân dây bị cọ sát nhiều lần trên lỗ sô-ma cũ (bề mặt ghồ ghề, rãnh mòn sâu...), tàu cần thực hiện các biện pháp phòng tránh như bôi mỡ vào các vị trí tiếp xúc, lấy dây thừng nhỏ buộc quấn quanh lỗ sô-ma để hạn chế cọ sát trực tiếp với bề mặt kim loại thô ráp, rãnh mòn sâu hoặc/và sử dụng rồng cứu hỏa cũ hoặc bạt để bọc phía ngoài dây buộc tàu chỗ tiếp xúc

 

     * Khi tàu neo trong cảng, sỹ quan, thủy thủ đi ca phải kiểm tra định kỳ tất cả các dây buộc tàu để điều chỉnh các dây chịu lực đều, đặc biệt tại các cảng có mật độ tàu giao thông cao, biên độ thủy triều lớn,...

 

     * Khi tàu nằm trong khu vực có nhiều tàu qua lại, tàu nên tăng cường số lượng dây dọc là 4 x 2 thay vì tăng cường số lượng dây chéo 3 x 3.

 

     * Khi cập cầu (hoặc phao), các dây buộc tàu trên cùng một hướng phải cùng chủng loại và sức chịu lực

 

     * Khi tàu buộc phao, làm hàng phải hạn chế tối đa phương tiện cập mạn tàu, gây quá tải cho các dây.

 

     * Dây cáp buộc tàu phải được định kỳ bôi mỡ để duy trì tốt tình trạng của chúng. Dây đuôi của dây cáp buộc tàu phải được kiểm tra thường xuyên và được thay thế khi đã qua sử dụng 18 tháng. Ma-ní nối dây đuôi với dây cáp phải luôn trong tình trạng tốt.

 

     * Duy trì Sổ (hoặc Bảng) theo dõi dây buộc tàu: Vị trí của dây trên tời dây (ghi số thứ tự dây cùng tời dây trong Sổ (hoặc Bảng) theo dõi và trực tiếp trên tời dây để dễ nhận dạng, loại dây, chiều dài, cấu trúc, đường kính, sức chịu lực, GCN, ngày cấp GCN, ngày sử dụng, ngày đổi đầu, ngày thay mới, ngày kiểm tra và ghi chú tình trạng dây.

 

     * Trống tời không được thiết kế cho việc để quấn dây chằng buộc lên trong một thời gian dài. Nếu trống tời được sử dụng cho mục đích này sau một khoảng thời gian chúng sẽ bị hư hại và phải sửa chữa.

 

 4) Để tránh việc đứt dây gây mất an toàn cho con người và tàu cần lưu ý:       

     * Phải đánh giá rủi ro để đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu khi tàu buộc tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn cao.

 

     * Yêu cầu sỹ quan, thủy thủ đi ca chú ý theo dõi thủy triều, việc xếp hàng điều chỉnh các dây buộc tàu căng đều, đặc biệt khi có tàu chạy qua (để các dây căng đều cố gắng đưa các dây qua một lỗ sô-ma).

 

     * Không để dây trên tang tời, phải cô vào bích hình số 8.

 

     * Hạn chế tối đa phương tiện cập mạn tàu, gây quá tải cho các dây.

 

     * Ca trực lưu ý phát hiện các tàu chạy qua để có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu.

 
9/10 1777 bài đánh giá
0225.3796.869