Tạo thương hiệu thuyền viên Việt Nam

Đăng lúc 15:29:00 Ngày 03/07/2015 | Lượt xem 2384 | Cỡ chữ

 

NDĐT-Là quốc gia nằm bên bờ đại dương nhưng so với các nước trong khu vực thì việc thuyền viên xuất khẩu (TVXK) ở Việt Nam đang đang còn nhiều yếu kém

 

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, nằm gần với đường hàng hải quốc tế, lại ở trong khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao với thị trường vận tải biển sôi động. Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế chính sách về phát triển kinh tế biển. Đặc biệt là Nghị quyết 09-NQ/TW năm 2007 về Chiến lược biển Việt Nam với mục tiêu: “Đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”. Nhiệm vụ chiến lược “làm giàu từ biển” của nước ta liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, trong đó có sự đóng góp của TVXK trong tương lai…

 

Chưa thật chú trọng 
Theo Cục Hàng hải Việt Nam: Đội ngũ TV nước ta hiện có 45 nghìn người, trong đó hơn 27 nghìn TV đang làm việc trên các đội tàu nội. Và chỉ có khoảng hai nghìn TVXK. Đáng buồn hơn, TV của ta làm việc trên tàu nước ngoài phần lớn đều có chung nhận xét: năng lực làm việc yếu, thiếu kinh nghiệm thực tế, khả năng giao tiếp ngoại ngữ kém, tính kỷ luật chưa cao, sức khỏe chưa đạt và thiếu hiểu biết về pháp luật hàng hải quốc tế... Nên thu nhập của TV Việt Nam thấp thua nhiều so với TV nước khác. So sánh mức lương trên cùng một hạng và loại tàu thì mức lương của TV Việt Nam chỉ bằng 1/6 mức lương TV Nhật Bản và bằng nửa TV Phi-lip-pin…
Việt Nam có 6 trung đào tạo TV (hai trường đại học hàng hải, 4 trường cao đẳng) tập trung ở hai đầu đất nước. Mỗi năm, bình quân đào tạo được một vài nghìn học viên. Do không còn là nghề “hót”, ra trường khó xin việc nên năm 2014, chỉ có khoảng 1.800 em vào học nghề boong và nghề máy (kể cả hai trường đại học). Cùng với đó, việc ứng dụng mô phỏng thực tế vào công tác huấn luyện và đánh giá trình độ, khả năng chuyên môn của TV tại các trường hàng hải còn hạn chế do thiếu kinh phí hoặc chưa tận dụng hết công suất mô phỏng hiện có; Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các trường, trung tâm huấn luyện với các doanh nghiệp vận tải biển. 
Phi-lip-pin – đất nước luôn chịu thảm họa của bão tố, họ coi TVXK là một nghề đặc thù, nguồn lực chính đem ngoại tệ về cho quốc gia. Hiện Phi-lip-pin có khoảng 350 nghìn TVXK, chiếm 28% tổng số TV quốc tế đang làm việc trên các tàu nước ngoài. Trong đó, 24% sĩ quan, 38% thủy thủ, 38% nhân viên phục vụ (đầu bếp, nhân viên bàn, phòng, vui chơi giải trí, quản lý nhà hàng…) trên các tàu khách. Mỗi năm số TV này đem về cho Philippines khoảng năm tỷ USD, chiếm khoảng 1/4 số ngoại tệ mà tám triệu lao động xuất khẩu nước này gửi về qua đường chính thức. Sở dĩ TV Phi-lip-pin được tuyển dụng nhiều nhất, bởi họ có những kỹ năng tốt như: giỏi ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha); sức khỏe tốt, có khả năng làm việc trong điều kiện khắc nghiệt; được đào tạo, huấn luyện theo mô hình của phương Tây nên rất thạo việc; ý thức tổ chức kỷ luật cao, có khả năng hội nhập cộng đồng tốt... Các TV này được đào tạo, huấn luyện tại 95 cơ sở. Trong số này duy chỉ có 01 Học viện hàng hải do Nhà nước quản lý, còn lại là các trường và trung tâm huấn luyện tư nhân, liên doanh, liên kết với các công ty vận tải biển nước ngoài lập tại Phi-lip-pin. Số lượng tuyển sinh trung bình hàng năm khoảng 70 nghìn sinh viên, trong đó khoảng 16% đại học; còn lại các TV được đào tạo tại các trung tâm huấn luyện theo đúng chuẩn quốc tế yêu cầu.
Kế đến là In-đô-nê-xi-a cũng là một trong những nước có số TVXK lớn. Hệ thống đào tạo huấn luyện hàng hải của In-đô-nê-xi-a được Nhà nước rất quan tâm. Chính phủ Inđônêxia đã vay trên 100 triệu USD bằng nguồn vốn phát triển để nâng cấp một số cơ sở đào tạo huấn luyện hàng hải do Nhà nước quản lý. Hiện, nước này khoảng 150 nghìn TVXK; hàng năm thu về một lượng ngoại tệ lớn. Cũng như Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a đưa vào ban hành hệ thống quản lý đăng ký TV qua mạng máy tính liên thông với các cơ quan chức năng có liên quan. Nước này cũng ban hành chính sách giảm thuế thu nhập cho TVXK. 
Trung Quốc là nước có đội tàu biển lớn nhất thế giới với trên 70 triệu DWT và 1,2 triệu TV, trong đó, khoảng 400 nghìn TV làm việc trên tàu viễn dương. Số lượng TVXK của Trung Quốc cũng khá lớn, chiếm 8,5% số sỹ quan, 5,8% thủ thủy. Hiện nước này có 5 trường hàng hải đào tạo sỹ quan vào loại tốt của thế giới với triết lý đào tạo: “Thể lực tốt là điều kiện đầu tiên, nghiệp vụ tốt là then chót và tâm lý tốt là sự bảo đảm”. Các trường luôn thay đổi nội dung đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế, bằng việc tăng cường số giờ thực hành, ứng dụng tin học và thực hành Anh ngữ, tăng cường việc rèn luyện bán quân sự nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc…

Thuyền viên Việt Nam làm việc trên những con tàu Viễn Dương


Tạo thương hiệu TV Việt Nam 
Theo Cục Hàng hải Việt Nam: Đội tàu biển thế giới mỗi năm thuê khoảng 1,2 triệu TV, trong đó 40% TV được cung cấp từ các quốc gia phát triển, phần lớn là sỹ quan có trình độ chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ, đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và chuyên môn hóa đội tàu biển. Còn lại 60% TV, phần nhiều là thủy thủ, thợ máy, phục vụ viên đến từ các quốc gia Á, Phi và Mỹ La Tinh. Lực lượng trên được huấn luyện, đào tạo theo mô hình “thực hành”. Họ có sức khỏe tốt, thành thạo nghiệp vụ đi biển và ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật cao, khả năng thích nghi với điều kiện làm việc và hội nhập nhanh...
Hiện nay, số lượng TV đến từ các nước phát triển giảm đáng kể và tăng dần ở các nước nghèo hơn. Theo Hiệp hội vận tải biển quốc tế, những năm gần đây, các đội tàu biển viễn dương của các hàng tàu lớn trên thế giới thiếu hàng vạn TV. Chỉ tính riêng Nhật Bản, do cơ cấu dân số đang già hóa, vì vậy các công ty vận tải biển Nhật Bản phụ thuộc chủ yếu vào TV nước ngoài. Uớc tính năm 2015, Nhật Bản thiếu khoảng 27 nghìn TV làm việc trên các tàu biển (theo báo cáo của Hội đồng Hàng hải Baltic và Quốc tế). 
Với nhu cầu TV, đây là điểm thuận lợi cho Việt Nam có kế hoạch đào tạo cung cấp TV. Điểm thuận lợi cho Việt Nam đang là thành viên chính thức của các hiệp hội và tổ chức quốc tế về hàng hải. Bên cạnh đó, đội tàu biển Việt Nam chủ yếu mới chỉ hoạt động trên các tuyến vận tải ngắn ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á và mới chỉ đảm đương khoảng 10-12% thị phần vận tải hàng hóa Việt Nam xuất nhập khẩu bằng đường biển...Nên việc phát triển đội tàu viễn dương cùng đội ngũ TV ở nước ta là hết sức cần thiết và cấp bách. Theo Cục Trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật: Tình trạng thiếu TV ở các đội tàu viễn dương thế giới và trong nước thời gian gần đây chính là cơ hội với TV Việt Nam. Tuy nhiên, muốn đẩy nhanh chương trình đào tạo TV và TVXK để thu nhiều ngoại tệ về cho đất nước, chúng ta cần tập trung vào số vấn đề sau:
Chính phủ cần có cơ chế, chính sách thể hiện sự quan tâm hơn với công tác này. Trước tiên là tập trung nâng cấp các trường hàng hải sẵn có theo chuẩn quốc tế và ưu tiên đầu tư các mô hình thực hành sát với thực tế cùng chương trình ngoại ngữ chuẩn. Tiếp đến là việc quy hoạch các trường, trung tâm đào tạo TV ở nhiều địa phương trong nước có biển; Khuyến khích thu hút các nguồn lực (xã hội hóa) trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực đào tạo TV. Đặc biệt ưu tiên thu hút các hàng tàu nổi tiếng trên thế giới, các trung tâm đào tạo tốt ở khu vực để liên doanh, liên kết với các cơ sở trong nước đào tạo TV đạt chuẩn. 
Khuyến khích các địa phương ven biển (nhất những nơi có đông ngư dân làm việc trên biển) thu hút đầu tư các trung tâm đào tạo TV; Các trường đại học, cao đẳng Hàng hải tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy sát với yêu cầu thực tế để khi ra trường TV không chỉ giỏi chuyên môn thực tế, giỏi ngoại ngữ, tinh thông pháp luật quốc tế mà còn rèn luyện nâng cao sức khỏe, tính kỷ luật, tâm lý vững vàng, làm việc cống hiến... 
Bằng nhiều nguồn lực thu hút đầu tư các trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật cao (trừ một số mô phỏng đã được đầu tư); Việc ứng dụng mô phỏng vào công tác huấn luyện phải được tận dụng hết khả năng, công suất đầu tư; việc đánh giá trình độ, khả năng chuyên môn của TV phải khách quan và thực chất. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các trường, trung tâm huấn luyện với các các doanh nghiệp vận tải biển… 
Học tập các mô hình đào tạo TV ở các nước trong khu vực và sớm có chiến lược phát triển công tác đào tạo TV nói chung và XKTV nói riêng cho phù hợp với yêu cầu quốc tế và quy hoạch phát triển ngành hàng hải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt...

 

Nguồn: báo Nhân Dân

9/10 794 bài đánh giá
0225.3796.869