Tuyến hành hải thương mại xuyên Bắc Cực

Đăng lúc 16:34:00 Ngày 01/07/2014 | Lượt xem 3246 | Cỡ chữ

Việc băng ở Bắc Cực ngày càng mỏng đi đã tạo ra cơ hội mở ra một tuyến đường hành hải mới cho các công ty vận tải biển. Khi đi qua Bắc Cực sẽ giúp làm giảm đáng kể khoảng cách vận tải từ Châu Âu đến bờ đông Châu Mỹ hay khu vực Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, cơ hội mới đi kèm với những thách thức không phải nhỏ. Bài viết này nhằm mục đích cung cấp cho người đọc một cái nhìn khái quát về tuyến đường mới mẻ này. 
Tuyến đường tiềm năng khi băng tan:
Tốc độ tan băng ngày càng nhanh ở Bắc Cực đã mở ra một tuyến hành hải mới mà trước đó là điều không thể do điều kiện băng giá. Thời gian và mức độ bao phủ của băng ở Bắc Cực được cho là sẽ giảm đi nhanh chóng vào các năm tới. Điều này tạo ra cơ hội cho những tàu thuyền thương mại thông thường có thể di chuyển xuyên Bắc Cực. 
 
Các tuyến hành trình đi qua Bắc cực không phải là điều gì quá mới mẻ. Với điều kiện băng tan như hiện nay, có 2 tuyến hành trình rất có tiềm năng cho vận tải thương mại. Tuyến hành trình huyền thoại từ biển Bắc tới Thái Bình Dương dọc theo bờ biển Canada - được khám phá vào năm 1905 khi mà Roald Amundsen đã đưa tàu thám hiểm thành công qua tuyến đường này. Tuyến đường này có khả năng giúp giảm quãng đường xuống 40% so với tuyến đường đi qua kênh Panama.
 
Tuyến đường thứ hai cũng nối biển Bắc với Thái Bình Dương nhưng đi dọc theo bờ biển Siberia và vùng viễn đông của Nga, chạy qua biển Barents, Kara, Laptev, Đông Siberian và biển Chuck Chi. Tuyến đường này có khả năng rút ngắn đến 50% quãng đường từ khu vực biển Baltic đến Nhật Bản so với tuyến đường qua kênh Suez


Những rủi ro tiềm tàng:
Tuy nhiên hành trình xuyên Bắc Cực sẽ tiềm ẩn những nguy cơ và rủi ro đặc thù của nó, trong đó bao gồm:
  • Kiểm soát các rủi ro tràn dầu: điều kiện khí hậu đặc biệt ở vùng cực sẽ là trở ngại cực lớn cho công tác phòng chống và kiểm soát tác hại của tai nạn tràn dầu.

  • Khó khăn trong công tác tìm kiếm cứu nạn vì đây là khu vực bị cách biệt nhất trên thế giới

  • Thiếu các cảng trú ẩn an toàn

  • Không có đủ các cơ sở vật chất của hệ thống đảm bảo an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn

  • Các mối nguy hiểm liên quan đến điều kiện thời tiết: băng trôi, tầm nhìn hạn chế,...

  • Thiếu các hải đồ chi tiết, thiếu các hiểu biết về điều kiện thủy văn và các dữ liệu thời tiết đáng tin cậy

  • Nguy cơ lớn từ các khối băng trôi trong mùa băng tan

  • La bàn con quay và la bàn từ hoạt động không chính xác ở khu vực vĩ độ cao

  • Thiếu thuyền viên được đào tạo để hành hải trong khu vực vùng cực

Ứng phó khi xảy ra tràn dầu trong điều kiện băng giá ở vùng cực:
Các hiện tượng, hiệu ứng khi dầu tràn ra ở vùng cực sẽ khác biệt một cách đáng kể so với khi nó xảy ra ở các vùng thời tiết ấm hơn. Công tác ứng phó, theo dõi và thu hồi dầu tràn do đó sẽ là một thách thức lớn. Hiệp hội ITOPF (International Tanker Owners Pollution Federation Limited) đã đưa ra các khuyến nghị về mặt kỹ thuật trong việc ứng phó với tai nạn tràn dầu ở vùng cực. Cùng với đó, liên bang Nga cũng đưa ra các quy định (có hiệu lực vào năm 2013) đối với các tàu tham gia vào tuyến đường vận tải vùng cực đi qua bờ biển nước Nga (North Sea Russian traffic) bao gồm một số điều khoản sau:
  • Bắt buộc chủ tàu phải mua bảo hiểm các thiệt hại đối với tai nạn tràn dầu

  • Đưa ra khung thu phí với các tàu

  • Yêu cầu bắt buộc phải có tàu phá băng hộ tống

  • Phải có hoa tiêu vùng băng

  • Phải được sự cho phép của cơ quan quản lý giao thông của Nga

  • Nga sẽ cung cấp, tổ chức hoạt động tìm kiếm cứu nạn

  • Nga sẽ cung cấp liên lạc Radio và thông tin khí tượng thủy văn

Những bảo hiểm liên quan đến tràn dầu thường được chi trả bởi các câu lạc bộ bảo hiểm P&I (đây là dạng bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ 3, mỗi “câu lạc bộ” là tập hợp của một số chủ tàu tự tổ chức bảo hiểm cho tàu của nhau).  Vậy, liệu các chủ tàu có nên báo trước cho người cung cấp bảo hiểm trước khi thực hiện các chuyến hành trình qua vùng cực? Thông thường, các câu lạc bộ bảo hiểm P&I không đưa ra bất cứ một giới hạn địa lý nào có đề cập đến các chuyến hành trình đi qua vùng cực. Tuy nhiên, những chuyến đi như thế là hoàn toàn mới xét trong phạm vi hàng hải thương mại thông thường. Do đó các câu lạc bộ P&I có một số lưu ý sau:
  • Những thành viên của câu lạc bộ P&I cần phải đưa ra các điều khoản đặc biệt liên quan đến việc hoạt động ở vùng cực vì hành động này có thể làm thay đổi mức độ rủi ro một cách đáng kể.

  • Các hiệp hội P&I tăng cường việc chia sẻ thông tin liên quan. Những kinh nghiệm thu được trong việc bảo hiểm các tàu được phân hạng để hoạt động ở các vùng biển đóng băng (ice class) có thể sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

  • Các câu lạc bộ P&I có thể trợ giúp các thành viên trong việc đánh giá rủi ro khi hành hải trong khu vực vùng cực.

Rủi ro được bảo hiểm trong bảo hiểm thân vỏ:
Các chủ tàu cần phải kiểm tra mức giới hạn bảo hiểm thân vỏ mà họ có. Thông thường các chuyến hành hải qua vùng cực không nằm trong mức giới hạn bảo hiểm. Do đó chủ tàu cần phải bàn bạc và thống nhất trước với các công ty bảo hiểm về mức giới hạn cũng như mức phí bảo hiểm (premium) và mức miễn thường có chiết khấu (deductible – mức giới hạn mà khi thiệt hại dưới mức này các công ty bảo hiểm sẽ không chi trả), các mức phí này thường sẽ cao hơn so với các tuyến hành hải thông thường.
Nguồn: www.insidemarine.com
10/10 1082 bài đánh giá
0225.3796.869